Đề xuất bỏ quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp 50 năm

Đề xuất bỏ quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp 50 năm

Để mở đường cho tích tụ ruộng đất, chuyên gia đề xuất sửa đổi thời hạn sử dụng và hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp.

Thủ tướng: Tích tụ ruộng đất phải đi liền với tiến bộ kỹ thuật

Ngày 22/11, tại hội thảo "quyền và lợi ích của hộ nông dân trong tích tụ, tập trung ruộng đất", TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định đây là vấn đề cấp bách để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế.

"Việt Nam cần tăng tốc tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành các diện tích lớn để áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, thay đổi cách làm ăn nhỏ lẻ sang quy mô lớn, chuyên nghiệp. Việc này mang lại lợi ích cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vừa qua chậm do quyền, lợi ích của nông dân chưa cao", ông Cung nói.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: Tất Định

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: Tất Định

Khảo sát của CIEM tại 3 tỉnh Hà Nam, Thái Bình và Ninh Bình cho thấy, hơn 53% hộ nông dân mong muốn cho thuê đất sản xuất nông nghiệp, trong khi đó số hộ có nhu cầu thuê chỉ 10%. 

Trên toàn quốc, nhu cầu sử dụng đất của các hộ nông dân giảm khá nhiều với 42.000 hộ ở hơn 20 tỉnh, thành đã bỏ ruộng. Tuy nhiên, mức độ tập trung ruộng đất còn rất thấp, chủ yếu là 2 ha mỗi hộ, phổ biến theo hình thức hộ này tự thuê đất của hộ khác. Mỗi tỉnh trung bình chỉ có 3-7 doanh nghiệp thuê đất của dân theo cơ chế thị trường.

Theo nhóm nghiên cứu, nếu hộ nông dân tự canh tác một sào ruộng (360 m2) mỗi năm sẽ cho thu lãi 590.000 đồng; còn cho thuê lại rồi đi làm việc khác thì thu nhập cao gấp 5,1 lần. Trường hợp hộ nông dân bán ruộng gửi tiền vào ngân hàng, đi làm công việc khác, tổng thu nhập cao hơn gấp 8,7 lần so với tự canh tác.

"Hầu hết hộ nông dân bán đất vì lợi ích trực tiếp, để có thời gian, tiền bạc làm việc khác. Nhưng nỗi lo lớn nhất của họ là sử dụng tiền bán đất không hiệu quả, không còn tài sản để dành cho con cháu và lo mất cơ hội đền bù khi nhà nước thu hồi", TS Nguyễn Hữu Thọ, Phó ban chính sách phát triển nông thôn (CIEM), đại diện nhóm nghiên cứu cho hay.

TS Nguyễn Hữu Thọ, Phó ban chính sách phát triển nông thôn, CIEM. Ảnh: Tất Định

TS Nguyễn Hữu Thọ, Phó ban chính sách phát triển nông thôn, CIEM. Ảnh: Tất Định

Đại diện địa phương đang thực hiện chủ trương tập trung ruộng đất quy mô lớn, ông Đinh Văn Vọng, Phó chủ tịch huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đánh giá, hiệu quả kinh tế trên diện tích đất được gom lại tăng tới 5-10 lần so với để nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, ông Vọng bày tỏ lo ngại khi nhiều nông dân bán đất, chuyển đi làm công nhân. Tập trung ruộng đất xong, doanh nghiệp không thể tìm được nguồn lao động nông nghiệp. Thực tế, một bộ phận nhỏ doanh nghiệp lợi dụng chủ trương tích tụ đất để đầu cơ, đợi đất tăng giá rồi bán. Ông dẫn chứng, năm vừa qua, huyện đã phải thu hồi đất của 3 doanh nghiệp sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp.

Đề xuất sửa Luật đất đai 2013

Theo TS Nguyễn Hữu Thọ, để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thưởng phải có ba loại đất gồm: Đất nông nghiệp để sản xuất, đất nông nghiệp để xây nhà kính, kho chứa và đất phi nông nghiệp xây trụ sở, nhà điều hành.

"Hiện một thửa đất nông nghiệp được Nhà Nước giao đất có thời hạn là 50 năm. Quy định này dẫn đến việc các hộ dân chỉ muốn cho thuê lại10 năm, 20 năm. Trong khi đó, chu kỳ tài sản của doanh nghiệp thường dài, nếu chỉ 50 năm là ngắn đối với chu kỳ sản xuất thứ hai trở đi. Vậy, doanh nghiệp nào sẽ đầu tư quy mô lớn?", ông Thọ đặt vấn đề.

Các chuyên gia của CIEM kiến nghị bỏ quy định về thời hạn sử dụng đối với đất nông nghiệp hoặc cho sử dụng ổn định lâu dài giống như đất phi nông nghiệp. Cùng với đó, để đề phòng những tình huống cần thiết thì luật có thể bổ sung thêm các trường hợp được thu hồi đất nông nghiệp.

Một cánh đồng thửa ruộng nhỏ ở xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: Tất Định

Một cánh đồng thửa ruộng nhỏ ở xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: Tất Định

CIEM cũng kiến nghị sửa đổi cách thức lập quy hoạch đất đai, chia thành hai nhóm: Quy hoạch "cứng" và "mềm". Quy hoạch cứng là những loại đất không được chuyển đổi mục đích sử dụng trong mọi trường hợp, như đất vườn quốc gia, đất 2 lúa... Còn những loại đất nông nghiệp khác có thể tự chuyển đổi mục đích sử dụng linh hoạt, chính quyền địa phương tự quyết định.

Ngoài ra, Luật đất đai 2013 chỉ cho phép mỗi hộ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất. Cụ thể, đối với hộ nông dân ở đồng bằng sông Hồng không quá 22 ha/hộ, ở đồng bằng sông Cửu Long không quá 33 ha/hộ. Ông Thọ cho rằng điều này đang hạn chế tích tụ ruộng đất ở hộ gia đình, đồng thời khiến việc quản lý đất đai khó khăn hơn.

"Người dân ngại khai báo, sử dụng nhiều hình thức đăng ký khác nhau để tránh vướng hạn mức. Để hộ nông dân tích tụ nhiều ruộng đất, phát triển thành doanh nghiệp, hạn mức như vậy là quá cứng, cần được giãn lớn hơn", ông Thọ nói.

Ông Lương Văn Hùng, Giám đốc công ty Sharefarm doanh nghiệp đã tích tụ được 17 ha để làm nông trại sinh thái ở Phúc Thọ, Hà Nội cho rằng khó khăn nhất khi tích tụ ruộng đất là tạo được lòng tin đối với nông dân.

"Chúng tôi dành 3 năm để đàm phán, đưa ra tất cả các giải pháp quản trị rủi ro đối với nông dân. Khi nông dân nghi ngờ, đặt câu hỏi thì doanh nghiệp phải giải đáp, điều chỉnh lại cho phù hợp", ông Hùng nói.

Doanh nhân này chia sẻ giải pháp để tạo lòng tin với nông dân bằng cách ký quỹ cam kết với giá 30 triệu đồng/ha; quỹ gửi tại ngân hàng, nông dân, chính quyền và doanh nghiệp cùng giám sát. Trường hợp dự án dừng giữa chừng, số tiền đó sẽ rút ra để hoàn trả mặt bằng sản xuất cho người dân.

Bài viết này được đăng tải lúc .