Tổng thống Putin tái tranh cử: "Thuyền trưởng bất khả chiến bại"
11/12/2017 01:10 GMT+7
- Không thể phủ nhận ông Putin trong các nhiệm kỳ của mình đã đưa nước Nga từ cảnh "xách bị đi vay" thời ông Yeltsin lấy lại phong độ cường quốc một cách ngoạn mục. Giờ đây nước Nga đang chuẩn bị cho mùa bầu cử tổng thống năm 2018 của mình. Đúng như mọi dự đoán, ông Vladimir Putin đã tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ 6 năm lần thứ 4.
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông vẫn cao ngất ngưởng (83%). Vậy ông có phải đối mặt với thách thức gì trong cuộc bầu cử tới hay không và ông sẽ tạo ra những bước ngoặt gì nếu tiếp tục tái đắc cử?
Lo ngại chính của Điện Kremlin
Ảnh Newsweek |
Ông Putin đã trở thành Tổng thống lần đầu tiên sau khi Boris Yeltsin từ chức năm 1999. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai năm 2008, ông đã chuyển giao quyền lực cho người được bảo hộ Dmitry Medvedev và ngồi vào vị trí Thủ tướng, trước khi trở lại nắm quyền Tổng thống vào năm 2012. Nếu tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 3/2018, ông sẽ nắm quyền trong 1/4 thế kỷ và trở thành người ngồi lâu nhất ở chiếc ghế quyền lực cao nhất nước Nga, hơn cả Leonid Brezhnew (từng là Tổng bí thư Đảng trong giai đoạn từ năm 1964-1982).
Việc ông tuyên bố tái tranh cử không gây ngạc nhiên. Tương tự, nếu ông đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 cũng không có gì ngạc nhiên. Nhưng Điện Kremlin không vì thế mà thanh thản ung dung bước vào cuộc bầu cử tới. Sau 18 năm lãnh đạo thành công của ông Putin, nhiều người Nga nói rằng họ sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho ông, đơn giản chỉ vì không thấy ứng cử viên nào xứng đáng thay thế. Câu chuyện nắm quyền của ông Putin dường như đã xuất hiện sắc thái mới.
Theo kết quả một cuộc thăm dò do Trung tâm Levada thực hiện tháng trước, chỉ 58% người được hỏi cho biết họ sẽ đi bỏ phiếu. Con số này sẽ thấp nếu so với 75% cử tri đã tham gia cuộc bầu cử tháng 12/2007.
Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cũng nhận định cần hiểu đúng về sự ủng hộ của dân chúng dành cho ông Putin. Trong một bài trả lời phỏng vấn RIA Novosti mới đây, ông Gorbachev cho rằng sự ủng hộ này có thể được giải thích là vì người dân không muốn thay đổi trong bối cảnh tình hình trong nước phức tạp và quốc tế căng thẳng hiện nay. Ông nhận định: "Nước Nga đang gặp rất nhiều vấn đề, khiến người dân muốn chọn giải pháp an toàn và không đưa ra quyết định vội vàng".
Cựu Tổng thống cho biết cá nhân ông vẫn ủng hộ nguyên tắc chuyển giao quyền lực cho các thế hệ mới, song cũng thừa nhận rằng trong tình hình chính trị hiện nay thì tốt nhất là không nên đưa ra quyết định vội vàng.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Gorbachev ca ngợi cách thành tựu của Tổng thống Putin. Năm 2014, ông từng nói rằng người Nga phải nhớ là ông Putin đã cứu đất nước khỏi nguy cơ sụp đổ, đồng thời nhấn mạnh rằng bảo vệ nước Nga như một quốc gia thống nhất và chủ quyền trong một giai đoạn sống còn là một “thành tích mang tầm vóc lịch sử”.
“Sen đầm mới của Trung Đông”?
Thực vậy, tầm vóc toàn cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Một số nhà quan sát gọi ông là “Sen đầm mới của Trung Đông”.
Sau 2 năm Nga chính thức tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, ông Putin khẳng định lực lượng Nga đã hỗ trợ quân đội Syria quét sạch bóng đen khủng bố IS trên khắp lãnh thổ nước này. Đây là thắng lợi không thể chối bỏ của Nga, giúp nâng cao vị thế của Moscow tại khu vực Trung Đông.
Mới đây nhất, trong một loạt các cuộc gặp với các lãnh đạo Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen, ông Putin đã đóng vai trò trung tâm của một cú hích ngoại giao lớn nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria, khi nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tổ chức một Đại hội Hòa bình Syria.
Hội nghị Sochi nói trên không bao gồm các đại diện của Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU), khi mà trọng tâm của hội nghị là vấn đề Trung Đông, cho thấy rõ rằng ông Putin đã mở rộng tầm ảnh hưởng của nước Nga ra toàn khu vực. Sự can thiệp thành công của ông Putin đã định hình lại bản đồ quan hệ Trung Đông, kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi liên minh phương Tây và buộc cả Saudi Arabia phải tìm kiếm một quan hệ hợp tác tốt đẹp với Moscow.
Tại châu Âu, cuộc chiến chớp nhoáng giữa Nga với Gruzia tháng 8/2008 đã đem đến thắng lợi là hai nước Cộng hòa Abkhazia và Nam Ossetia với đa số là dân gốc Nga ra khỏi Gruzia. Cuộc khủng hoảng Ukraine - với việc Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ hai nước Cộng hòa tự trị Donetsk (DNR) và Luhansk (LNR) ở vùng Donbass nằm trong lãnh thổ Ukraine.
Tại châu Á, ông Putin đã phát triển một quan hệ ngày càng thân mật với Trung Quốc. Không quân Nga đang làm chủ bờ Tây Thái Bình Dương, vốn trước nay là "ao nhà" của Hạm đội 7 của Mỹ.
“Thuyền trưởng” bất khả chiến bại
Nhiệm kỳ 3 là nhiệm kỳ quan trọng nhất của ông Putin, hơn cả nhiệm kỳ đầu tiên (năm 2000-2004), được đánh dấu bởi những cải cách kinh tế mang phong cách Cộng hòa của Mỹ, một mức thuế thu nhập cào bằng, sự thuần hóa những nhân vật đầu sỏ chính trị (oligarchs), và sự tập trung quyền lực.
Trong thời gian từ 2012-2018, ông Putin đã tìm cách nói rõ với thế giới rằng khái niệm hòa bình Pax Americana (Thái bình Mỹ) với Mỹ làm trung tâm đã kết thúc. Về điểm này, ông đã khá thành công. Có thể nói nhiệm kỳ thứ ba của ông sẽ được ghi nhớ là 4 năm biến khái niệm một thế giới đa cực từ chỗ phi thực tế trở thành hoàn toàn khả thi.
Về đối nội, phải thừa nhận rằng ông Putin đã đưa nước Nga từ cảnh "xách bị đi vay" thời ông Yeltsin quay lại vị trí cường quốc vững mạnh. Tiếp nhận quyền lãnh đạo nước Nga khi nền kinh tế nước này đang trải qua quá trình cải cách, đồng nội tệ mất giá, Tổng thống Putin đã dành nhiệm kỳ đầu tiên để cải cách kinh tế, giải quyết hàng loạt các vấn đề liên quan tới chính sách thuế, ngân hàng và lương hưu.
Trong 4 năm nắm giữ chức vụ Thủ tướng, ông lại tiếp tục “chèo lái” nước Nga vượt qua hậu quả tồi tệ của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Năm 2012, ông trở lại nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba, lãnh đạo nền kinh tế Nga trụ vững bất chấp nhiều lệnh cấm vận của phương Tây.
Còn tiếp