Phán quyết Biển Đông hướng Trung Quốc tới UNCLOS

Phán quyết Biển Đông hướng Trung Quốc tới UNCLOS

(LĐ) - SỐ 167 MỸ HẰNG THỰC HIỆN -

Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ, trả lời Lao Động cho rằng, về lâu dài, phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài tuần trước (ngày 12.7)  sẽ hướng Trung Quốc theo hướng làm rõ các yêu sách chủ quyền của họ dựa trên Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Bình luận về phán quyết, ông nói: 

- Phán quyết là chiến thắng rõ ràng cho Manila. Điều quan trọng nhất cho tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, không chỉ với Philipines, là phán quyết nói rằng, Trung Quốc không có quyền lịch sử trên khắp Biển Đông và phải căn cứ tuyên bố chủ quyền dựa vào lãnh hải, EEZ, thềm lục địa của các cấu trúc đất liền. Điều này đã vô hiệu hóa đường 9 đoạn. Các phán quyềt về quyền của Philippines được đánh cá ở bãi cạn Scarborough, quy chế của tất cả quần đảo Trường Sa là đá và chỉ có lãnh hải, cũng như phán quyết rằng Trung Quốc vi phạm các điều khoản môi trường của UNCLOS khi tiến hành xây đảo quy mô lớn, cũng là những thắng lợi quan trọng. 

* Phán quyết sẽ đóng góp thế nào trong việc giải quyết tranh chấp?
- Phán quyết đặt tất cả mọi người trên một cơ sở giống nhau là UNCLOS. Trước đó, các bên tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á đưa ra tuyên bố dựa trên các quyền hàng hải theo Công ước, trong khi Trung Quốc duy trì đường 9 đoạn mập mờ và "không thể tranh cãi". Điều đó khiến cho các cuộc đàm phán thực sự hiệu quả là không thể. Trong ngắn hạn đến trung hạn, phán quyết sẽ không thay đổi yêu sách hoặc cách hành xử của Trung Quốc, nhưng về lâu dài nó sẽ lái Trung Quốc theo hướng làm rõ các yêu sách của họ dựa trên UNCLOS, sau đó nó sẽ trở nên không thể thiếu trong một giải pháp hòa bình cuối cùng. 

* Philippines đã quyết định đàm phán song phương với Trung Quốc. Điều đó có khiến cuộc đấu tranh pháp lý của họ với Trung Quốc trong 3 năm qua trở nên vô ích?
- Không hề. Tổng chưởng lý Philippines đã tuyên bố rõ ràng, rằng phán quyết này đặt ra biên giới cho bất kỳ thỏa thuận nào. Không có gì sai khi Manila đàm phán với Bắc Kinh về xây dựng lòng tin và chia sẻ nguồn lực, chừng nào mà điều đó không diễn ra theo cách nhượng bộ chủ quyền của Philippines với Trung Quốc, và Tổng thống Duterter chưa hề đưa ra dấu hiệu gì là họ sẽ làm vậy. 

* Đô đốc hải quân Mỹ John Richardson đang ở thăm Trung Quốc. Ông cho rằng cho đến giờ các bên đã thể hiện kiềm chế trên Biển Đông?

- Chuyến thăm của Đô đốc Richardson là bằng chứng rằng Trung Quốc và Mỹ có thể tiếp tục hợp tác trên những vấn đề thiết thực ngay cả khi tranh chấp Biển Đông vẫn là cái gai trong quan hệ. 

* Ông dự đoán tình hình Biển Đông thế nào về lâu dài?
Cách duy nhất để quản lý hòa bình và không thiên vị các tranh chấp về lâu dài là đóng băng các tranh chấp lãnh thổ (vốn không thể giải quyết trong bất kỳ một khung thời gian thực tế nào) và thảo luận việc chia sẻ các nguồn lực, quản lý chung các yêu sách hàng hải chồng lấn. Để vấn đề sau khả thi, Bắc Kinh phải làm rõ các yêu sách của họ và từ bỏ đường 9 đoạn, và phán quyết tuần trước có thể rất có giá trị trong việc thúc đẩy Bắc Kinh theo hướng làm rõ đó. 

* Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết. Cộng đồng quốc tế nên phản ứng thế nào để bảo vệ luật pháp quốc tế?
- Tất cả các quốc gia quan tâm đến luật pháp quốc tế và những thông lệ hàng hải toàn cầu đều phải có trách nhiệm góp phần bảo vệ những điều đó. Việc này có nghĩa là kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết trọng tài ràng buộc pháp lý này cũng như kêu gọi bất kỳ các quốc gia nào khác. Sức nặng của công luận quốc tế quan trọng với các nước, và đó là lực lượng tối hậu thực thi luật pháp quốc tế. Thậm chí trong những trường hợp khi mà các cường quốc lớn không sẵn sàng công nhận một phán quyết của tòa án, dư luận quốc tế hầu như buộc họ phải có một thỏa thuận chính trị phần lớn tuân thủ phán quyết đó (điều này đã xảy ra sau việc Mỹ từ chối công nhận quyết định của Tòa Công lý Quốc tế trong vụ trọng tài với Nicaragua năm 1986).

Bài viết này được đăng tải lúc .