Thủ tướng yêu cầu không sử dụng tên gọi 'trạm thu giá'

Bộ trưởng Giao thông: Công khai thu chi của trạm BOT vào cuối năm

Đại biểu Quốc hội đề nghị công khai thu - chi của trạm BOT trên bảng điện tử và ông Nguyễn Văn Thể nói "việc này không khó".

Đăng đàn lần đầu tiên trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải đáp nhanh các chất vấn của đại biểu theo đúng quy định “3 phút cho mỗi câu trả lời”. Ông nhiều lần nhận trách nhiệm của ngành về các tồn tại trong lĩnh vực BOT và giao thông đường sắt, đưa ra lời "xin lỗi người dân".

Nguye-n-Va-n-The-BT-Bo-GT-jpeg_152809933

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: QH

Theo Bộ trưởng Giao thông, để phát triển hạ tầng giao thông, ngoài nguồn vốn Nhà nước và vốn vay, từ năm 2009 đến nay Việt Nam đã đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư theo hình thức BOT, là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu hiện nay vì ngân sách hạn chế, nợ công ở mức cao.

Các dự án BOT được triển khai quyết liệt nhưng qua thời gian, ngoài tạo động lực phát triển kinh tế xã hội thì việc quản lý, đấu thầu, khai thác còn bất cập và được xã hội quan tâm.

“Bộ Giao thông cùng nhiều Bộ, ngành đã tiếp thu ý kiến, đã chỉ đạo rà soát và trình Chính phủ thay đổi tên trạm thu phí BOT bằng tên mới phù hợp yêu cầu. Chúng tôi rất cảm ơn dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội quan tâm thời gian qua, chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo Chính phủ có tên mới phù hợp thực hiện”, ông Nguyễn Văn Thể nói.

Lãnh đạo ngành giao thông vừa dứt lời, máy quay hướng xuống phía hội trường cho thấy nhiều đại biểu cùng cười.

Phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, "việc này không cần nghiên cứu, tôi thấy Bộ Giao thông cứ dùng lại tên gọi cũ là trạm thu phí, vì tên gọi này đúng bản chất và đã quen thuộc".

 

Chủ tịch Quốc hội gợi ý tên gọi của trạm BOT

Công khai thu – chi của trạm BOT trên bảng điện tử

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc đề nghị Bộ trưởng Giao thông minh bạch thu - chi trong khai thác BOT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói "hiện Bộ phải tập trung quyết toán công trình, sau đó sẽ có thiết kế đồng bộ, thời gian thu phí chuẩn, đảm bảo giám sát chặt chẽ. Quyết toán xong thì công khai".

Ngoài ra, khi triển khai xong hệ thống thu phí tự động ở tất cả các trạm BOT vào cuối năm 2019 thì số thu của các trạm sẽ được minh bạch.

Cũng quan tâm đến vấn đề trên, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đặt câu hỏi "Bộ trưởng cho hay vì sao chưa quyết toán? Lâu nay dựa vào đâu xác định giá thu phí? Phải chăng đang áng chừng mức thu? Khi nào việc quyết toán được hoàn tất?".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích, một dự án đầu tư thấp nhất 15 năm, cao nhất 20 năm, sau khi nghiệm thu thì mới đến khâu quyết toán, do đó toàn bộ quyết toán của nhà đầu tư trình lên có thể không chính xác 100%. Tuy nhiên, không thể dừng thu phí dự án do doanh nghiệp đã đầu tư, nếu dừng sẽ phát sinh lãi vay và các khoản chi phí khác.

"Chúng ta đã ký hợp đồng ban đầu, tích cực quyết toán xong sẽ điều chỉnh lại hợp đồng chính thức. Hiện các trạm BOT vẫn nằm trong thời gian thu phí và Bộ linh động để nhà đầu tư thu phí", ông Thể nói.

Vẫn chưa hài lòng, bà Đàng Thị Mỹ Hương hỏi tiếp: Vì sao Bộ Giao thông không công khai mức thu, chi mỗi ngày của các trạm BOT trên bảng điện tử?

Cho hay việc công khai này không hề khó, song Bộ trưởng Thể mong cử tri chờ đợi thêm tới cuối năm nay, khi hệ thống thu phí tự động được đưa vào sử dụng tại một số trạm trên Quốc lộ 1, lúc đó các con số thu - chi sẽ "không thể ai can thiệp".

“Dân chịu thì thu phí, dân không chịu lại giảm?”

Nhiều vấn đề khác liên quan đến hoạt động của trạm BOT được đại biểu dồn dập nêu ra với lãnh đạo ngành giao thông.

Ông Hoàng Quang Hàm – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho hay, hiện có 17 trạm BOT đặt sai vị trí, trong đó 3 dự án BOT dân không đi cũng phải trả tiền; 6 dự án khác thì người dân không đi đường tránh do chủ đầu tư xây dựng nhưng vẫn phải mất phí (do trạm đặt trên đường cũ).

“Tôi nghe Bộ trưởng giải trình về vấn đề này, thấy toát lên đại ý là dân chịu thì thu, dân không chịu lại dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục, rồi lại thu. Như thế đã vì lợi ích của dân chưa, vì sao 17 dự án nêu trên chủ yếu chỉ định thầu và dân không đi vẫn phải trả tiền”, ông Hàm chất vấn.

Giải đáp vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, 3 trạm BOT nằm ngoài phạm vi dự án chủ yếu do "lịch sử để lại", khi Bộ Giao thông tiếp nhận thì đã báo cáo Chính phủ, ví dụ như trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài. Năm 2014, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện việc thu phí, do vậy Bộ thực hiện đúng theo chỉ đạo này.

Tương tự, một số dự án xây tuyến tránh và nâng cấp tuyến hiệu hữu là nhằm tạo đột phá kinh tế - xã hội cho địa phương, toàn bộ việc này "thực hiện theo đúng quy trình, các bộ ngành, địa phương có tham gia ý kiến". Trong bối cảnh hiện nay ngân sách eo hẹp, Chính phủ khó bố trí được nguồn vốn lớn để mua lại toàn bộ các dự án đó.

"Khi Quốc hội biểu quyết có khả năng cân đối nguồn vốn thì chúng tôi sẵn sàng mua lại số dự án này", ông Thể nói và mong người dân thông cảm.

Về góc độ trách nhiệm, Bộ Giao thông đã giảm phí cho toàn bộ xe của người dân sinh sống trong vòng 10 km từ trạm BOT.

Phần trả lời của Bộ trưởng Giao thông không làm hài lòng nhiều đại biểu. Ông Hoàng Quang Hàm giơ biển tranh luận lại vì cho rằng giải thích của Bộ trưởng Thể chưa thấy thêm giải pháp cụ thể, chủ yếu giải quyết bức xúc và thuyết phục người dân bằng giảm thu phí một số trạm BOT.

"Các giải pháp Bộ triển khai đã thương thảo với nhà đầu tư, ngân hàng giảm định mức, lãi suất chưa", ông Hàm đặt câu hỏi.

Tiếp mạch vấn đề, đại biểu Mai Sĩ Diến cũng không đồng tình khi Bộ trưởng Giao thông nói "giải quyết tranh chấp BOT vì lợi ích hài hòa của người dân bằng giảm giá, bởi như vậy không khác gì xin - cho".

Đường sắt Bắc Nam vô cùng lạc hậu

Hai đại biểu Tô Bích Châu và Dương Trung Quốc cùng chất vấn về tình trạng đường sắt lạc hậu, dẫn tới tai nạn xảy ra liên tiếp vừa qua.

"Phải chăng làm đường bộ thì dễ chia sẻ lợi ích hơn làm đường sắt, nên Bộ Giao thông để cho lĩnh vực đường sắt lạc hậu", ông Dương Trung Quốc nêu câu hỏi

Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói nếu giao thông đường sắt phát triển tốt thì sẽ giảm tải cho đường bộ và không phải đầu tư nhiều tiền cho đường bộ Bắc Nam như hiện nay. Ông cho hay, đường sắt Bắc Nam hiện ở giai đoạn 2 sử dụng dầu diesel, nghĩa là vô cùng lạc hậu; có những đoạn đường sắt hình thành 70-80 năm vẫn chưa có giải pháp nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

"Tôi xin nhận trách nhiệm của ngành trong tham mưu vấn đề này", ông Thể nói.

Trước thực tế tai nạn đường sắt gia tăng, trưởng ngành giao thông giải thích, hiện vẫn còn 5.719 đường giao cắt trên toàn tuyến đường sắt, trong đó 1.519 đường giao cắt do Tổng công ty Đường sắt tổ chức có gác chắn, quản lý tương đối tốt. Còn lại hơn 4.200 đường giao cắt dân sinh là đường nhỏ, kết nối cụm dân cư, có gờ cảnh báo, biển cảnh báo tai nạn, song việc chấp hành tham gia giao thông không nghiêm nên phương tiện qua khu vực này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Bộ Giao thông đang tập trung xử lý để chấn chỉnh tình trạng trên, cùng với địa phương tăng cường quản lý và dứt khoát không để phát sinh thêm đường giao cắt. Về lâu dài, Bộ chuẩn bị đề án xây dựng đường sắt tốc độ cao, sẽ trình cấp có thẩm quyền trong năm 2019.

Phải chăng làm đường bộ thì dễ chia sẻ lợi ích hơn làm đường sắt

Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn về ngành đường sắt

"Bộ Giao thông rất quan tâm tới đường sắt. Bản thân lãnh đạo Bộ, các đơn vị đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và xin lỗi người dân về các vụ tai nạn vừa qua. Chúng tôi xác định trách nhiệm rất cao trước người dân vấn đề này", ông nêu.

Cũng theo trưởng ngành giao thông, dự án đường sắt có suất đầu tư rất lớn, có những dự án hàng chục tỷ đô la. Cách đây 8 năm dự án đường sắt Bắc Nam đã trình ra Quốc hội nhưng sau đó không được thông qua do nguồn huy động đầu tư quá lớn.

"Nếu làm thì phải xây tuyến mới chứ không thể chắp vá trên đường hiện nay. Khi Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo sẽ tiến hành triển khai các dự án đường sắt mới", ông nói thêm.

 

Bài viết này được đăng tải lúc .